Thực hiện Công văn số 2929/BCH PCTT ngày 06/5/2024 của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Long An về việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó đảm bảo an toàn trong mùa mưa, bão năm 2024.
Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và công trình xây dựng trước mùa mưa bão năm 2024, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đề nghị các phòng, ban ngành, các tổ chức chính trị, xã hội, UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm một số nội dung cụ thể như sau:
1. Thường xuyên theo dõi, cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai của các cơ quan chuyên môn như: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, Đài Khí tưởng Thủy văn Long An, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh thông qua các trang website (http://pctt.longan.gov.vn;https://www.facebook.com/ThongtinPCTTLongAn) để thông tin kịp thời đến người dân nắm, biết hiện tượng mưa giông, kèm lốc, sét và gió giật mạnh có thể xảy ra nhằm chủ động đề ra các giải pháp phòng tránh, ứng phó và khắc phục kịp thời các thiệt hai do thiên tai gây ra đảm bảo an toàn, ổn định đời sống nhân dân.
2. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống hạn và xâm nhập mặn, tổ chức thực hiện cấp nước đảm bảo không để người dân thiếu nước uống và nước sinh hoạt.
3. Tăng cường, chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh, ứng phó với mưa giông, lốc xoáy, gió giật mạnh trên địa bàn: Thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện các giải pháp gia cố nhà ở; tổ chức rà soát, kiểm tra chất lượng an toàn của các pa-nô, áp-phích, biển quảng cáo đúng yêu cầu kỹ thuật quy định nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối, có khả năng chống chịu được sức gió mạnh khi có mưa giông, lốc xoáy, gió giật mạnh xảy ra; xử lý đối với các công trình pa nô, áp-phích, biển quảng cáo không phép trên địa bàn quản lý; yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu thi công dự án triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn khi thi công xây dựng, lắp đặt, sử dụng giàn giáo, vận hành cần cẩu tại các công trình đang thi công, nhất là đối với các công trình trên cao,…
4. Thực hiện kiểm tra, rà soát, có các biện pháp cắt tỉa cành, nhánh cây xanh, đốn hạ các cây đã bị chết; có biện pháp gia cường, chống đỡ cây nhất là các cây xanh trong trường học, bệnh viện, công viên, dọc các tuyến đường giao thông, khu dân cư đông người nhằm đảm bảo an toàn; không để cây xanh ngã đổ do mưa giông, lốc xoáy, gió giật mạnh gây thiệt hại về người, đặc biệt là tính mạng của người dân khi tham gia giao thông,…
5. Đối với các bến khách ngang sông, các hộ dân làm nghề đánh bắt thủy sản: Kịp thời thông báo đến các chủ phương tiện tàu thuyền đang hoạt động biết được thông tin, diễn biến thời tiết, gió mạnh, mưa giông, lốc xoáy để chủ phương tiện nhanh chóng đi vào nơi trú đậu an toàn, không thực hiện đưa rước khách qua sông; sẵn sàng huy động lực lượng cứu hộ cứu nạn để chủ động ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.
6. Chủ động kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở để tuyên truyền, cảnh báo đến người dân trong khu vực được biết, đồng thời có kế hoạch sơ tán để bảo đảm tuyệt đối an toàn về người và tài sản của các hộ dân khi có sự cố xảy ra. Kiểm tra các tuyến đê bao, công trình thủy lợi để có những giải pháp duy tu, sửa chữa, gia cố kịp thời.
7. Tổ chức thực hiện khơi thông các tuyến kênh, rạch, cống rãnh, các trục tiêu nước chính nhằm tránh tình trạng ngập úng cục bộ khi có mưa lớn; có biển cảnh báo, che chắn an toàn tại những nơi nguy hiểm như: hố sâu, cống rãnh, ... Chủ động liên hệ, phối hợp với Trung tâm Quản lý, Khai thác công trình thủy lợi tỉnh vận hành các cống đầu mối để điều tiết nước đảm bảo không xảy ra ngập úng.
8. Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh huyện thường xuyên cập nhật thông tin, tuyên truyền tình hình thời tiết, thiên tai trên hệ thống loa đài; thông tin đến người dân cách nhận biết và nắm rõ các biện pháp phòng tránh, ứng phó mưa giông, kèm theo giông, lốc xoáy, sét để có biện pháp chủ động phòng tránh hiệu quả.
9. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp báo cáo về tình hình thiệt hại do mưa kèm theo giông lốc, sét và các loại thiên tai khác (nếu có) gửi về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện (thông qua Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để theo dõi, chỉ đạo kịp thời.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đề nghị các phòng, ban ngành, các tổ chức chính trị, xã hội, UBND các xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện nghiêm những nội dung nêu trên./.