Câu hỏi 1: Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã có mục đích, ý nghĩa như thế nào?
Trả lời: Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã để đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số, tạo ra sự thay đổi tích cực phát triển ở địa phương; đáp ứng yêu cầu tổ chức chính quyền địa phương cấp xã gần dân, sát dân, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Câu hỏi 2: Nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã?
Trả lời: Điều 2, Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15, ngày 15/4/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tuân theo các nguyên tắc sau:
1. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.
2. Việc sắp xếp đơn vị hành chính phải tuân thủ Hiến pháp, phù hợp quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết này.
Trường hợp sắp xếp đơn vị hành chính phù hợp với định hướng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì được đánh giá là phù hợp quy hoạch có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã được thực hiện đối với các đơn vị hành chính có diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số chưa đáp ứng tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sau đây gọi là Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính); có yếu tố truyền thống lịch sử, văn hoá tương đồng; có vị trí địa lý liền kề; có quy mô, tiềm năng, lợi thế và trình độ phát triển kinh tế phù hợp.
4. Việc xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã phải tính đến các yếu tố về điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, sự phân bố và tổ chức các không gian kinh tế nhằm bảo đảm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế của mỗi địa phương, hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đơn vị hành chính sau sắp xếp; cân nhắc kỹ các yếu tố về trình độ, năng lực quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương, mức độ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin của chính quyền địa phương và người dân; bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc tại các địa bàn trọng yếu, khu vực đảo, quần đảo và vùng biên giới; giữ gìn và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc của mỗi địa phương; bảo đảm khối đoàn kết gắn bó của cộng đồng dân cư.
5. Trường hợp thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã mà làm thay đổi địa giới đơn vị hành chính cấp huyện thì không phải thực hiện quy trình, thủ tục điều chỉnh địa giới của đơn vị hành chính cấp huyện mà đơn vị hành chính cấp xã đó trực thuộc.
6. Gắn việc sắp xếp đơn vị hành chính với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm chính quyền địa phương cấp xã gần dân, sát dân và phục vụ người dân được tốt nhất.
7. Khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính theo quy định của Nghị quyết này thì không áp dụng tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, số đơn vị hành chính trực thuộc, loại đô thị, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp.
8. Chú trọng và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ, thống nhất cao về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính.
Câu hỏi 3: Tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp?
Trả lời: Điều 2, Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15, ngày 15/4/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp như sau:
1. Căn cứ vào nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính quy định tại Điều 2 của Nghị quyết này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng, lựa chọn phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, miền núi, vùng cao, biên giới, vùng đồng bằng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đáp ứng các định hướng sau đây:
a) Xã miền núi, vùng cao hình thành sau sắp xếp có diện tích tự nhiên đạt từ 200% trở lên và quy mô dân số đạt từ 100% trở lên tiêu chuẩn của xã tương ứng quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính;
b) Xã hình thành sau sắp xếp không thuộc điểm a và điểm d khoản này có quy mô dân số đạt từ 200% trở lên và diện tích tự nhiên đạt từ 100% trở lên tiêu chuẩn của xã tương ứng quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính;
c) Phường hình thành sau sắp xếp có diện tích tự nhiên đạt từ 5,5 km2 trở lên; đối với phường thuộc thành phố trực thuộc trung ương có quy mô dân số đạt từ 45.000 người trở lên; phường thuộc tỉnh hình thành sau sắp xếp ở khu vực miền núi, vùng cao, biên giới có quy mô dân số đạt từ 15.000 người trở lên; các phường còn lại có quy mô dân số đạt từ 21.000 người trở lên;
d) Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc đơn vị hành chính cấp huyện ở hải đảo phải bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh và theo định hướng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Trường hợp sắp xếp từ 03 đơn vị hành chính cấp xã trở lên thành 01 xã, phường mới thì không phải xem xét định hướng về tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Trường hợp đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp không thể đáp ứng các định hướng về tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
4. Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn bảo đảm giảm số lượng đơn vị hành chính cấp xã trên cả nước theo tỷ lệ quy định tại khoản 3 Điều 1 của Nghị quyết này.
Câu hỏi 4: Trường hợp nào không bắt buộc sắp xếp đơn vị hành chính?
Trả lời: Điều 3, Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15, ngày 15/4/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định:
Không thực hiện sắp xếp đối với đơn vị hành chính có vị trí biệt lập hoặc có vị trí đặc biệt quan trọng liên quan đến quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Câu hỏi 5: Việc đặt tên, đổi tên của đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã hình thành sau sắp xếp được quy định như thế nào?
Trả lời: Điều 2, Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15, ngày 15/4/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định:
1. Tên của đơn vị hành chính cấp tỉnh hình thành sau sắp xếp được đặt theo tên của một trong các đơn vị hành chính trước sắp xếp phù hợp với định hướng sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Việc đặt tên, đổi tên của đơn vị hành chính cấp xã được quy định như sau:
a) Tên của đơn vị hành chính cấp xã cần dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn, bảo đảm tính hệ thống, khoa học, phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương và được Nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ;
b) Khuyến khích đặt tên của đơn vị hành chính cấp xã theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hoá, cập nhật dữ liệu thông tin;
c) Tên của đơn vị hành chính cấp xã không được trùng với tên của đơn vị hành chính cùng cấp trong phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh hoặc trong phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh dự kiến hình thành sau sắp xếp.
Câu hỏi 6: Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Long An như thế nào?
Trả lời: Theo Kết luận số 1429-KL/TU ngày 14/4/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã và Đề án hợp nhất đơn vị hành chính tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An, dự kiến phương án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Long An còn 60 đơn vị (gồm 56 xã và 04 phường), giảm 67,7% so với hiện hữu, cụ thể như sau:
Câu hỏi 7: Vì sao tỉnh Long An được sáp nhập với tỉnh Tây Ninh mà không phải tỉnh khác?
Trả lời: Tỉnh Long An được sáp nhập với tỉnh Tây Ninh dựa trên các yếu tố sau:
- Về lịch sử hình thành: Long An và Tây Ninh từng là một phần của phủ Gia Định triều đại Vua Minh Mạng.
- Về truyền thống, văn hóa: Hai tỉnh có điểm tương đồng về bề dày lịch sử đấu tranh cách mạng “trung dũng, kiên cường”.
- Về vị trí địa lý: Cả hai tỉnh đều có con sông Vàm Cỏ Đông chảy qua trước khi hợp lưu với sông Vàm Cỏ Tây tạo thành sông Vàm Cỏ.
- Về kinh tế: Tỉnh Long An và Tây Ninh là hai tỉnh đều có cơ cấu kinh tế tương đồng, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
- Về quốc phòng, an ninh: Cả hai tỉnh đều nằm trong khu vực phòng thủ quan trọng của Quân khu 7, giáp ranh nhau và cùng là tỉnh biên giới giáp với Vương quốc Campuchia.
Câu hỏi 8: Tên của tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An sau khi sáp nhập tên gọi là gì? và trung tâm hành chính đặt ở đâu?
Trả lời: Điểm (18), khoản 3.2.2, điều 3.2, phần IV. Phương án tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, tại Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp ghi rõ:
Sáp nhập tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An thành tỉnh mới có tên gọi tỉnh Tây Ninh, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Tân An, tỉnh Long An hiện nay (giảm 01 tỉnh) có diện tích tự nhiên 8.536,5 km2, quy mô dân số 2.959.000 người.
Câu 9: Trình tự, thủ tục xây dựng và thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh như thế nào?
Trả lời: Điều 8, Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15, ngày 15/4/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định:
1. Căn cứ định hướng sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Chính phủ phân công Ủy ban nhân dân của một trong các đơn vị hành chính cấp tỉnh cùng thực hiện sắp xếp chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân của đơn vị hành chính cấp tỉnh còn lại xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
2. Hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm có:
a) Tờ trình về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh;
b) Đề án về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết này;
c) Báo cáo tổng hợp ý kiến Nhân dân, ý kiến của Hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan;
d) 02 tờ bản đồ, gồm 01 tờ bản đồ về hiện trạng địa giới các đơn vị hành chính cấp tỉnh thực hiện sắp xếp và 01 tờ bản đồ về phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh;
đ) Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp) tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh; quyết định nội dung, hình thức lấy ý kiến theo hướng dẫn của Chính phủ.
4. Sau khi có kết quả lấy ý kiến Nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp) hoàn thiện đề án, gửi Hội đồng nhân dân các cấp có liên quan để xem xét, biểu quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (cơ quan chủ trì) tổng hợp báo cáo chung trên cơ sở báo cáo kết quả của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cùng sắp xếp (cơ quan phối hợp) gửi Bộ Nội vụ để thẩm định.
5. Bộ Nội vụ tổ chức thẩm định nội dung đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh do địa phương chuẩn bị, tổng hợp, xây dựng đề án của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội.
6. Hồ sơ đề án của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh kèm theo dự thảo nghị quyết của Quốc hội phải được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 30 tháng 5 năm 2025. Hồ sơ đề án phải được Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
7. Hồ sơ đề án phải được trình Quốc hội xem xét, thông qua trước ngày 30 tháng 6 năm 2025 để bảo đảm có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.
Câu 10: Trình tự, thủ tục xây dựng và thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã như thế nào?
Trả lời: Điều 9, Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15, ngày 15/4/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định:
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn theo các nguyên tắc sắp xếp và định hướng về tiêu chuẩn quy định tại Điều 2 và Điều 5 của Nghị quyết này.
2. Hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã gồm có:
a) Tờ trình về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã;
b) Đề án về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Nghị quyết này;
c) Báo cáo tổng hợp ý kiến Nhân dân, ý kiến của Hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan;
d) Dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã;
đ) 02 tờ bản đồ, gồm 01 tờ bản đồ về hiện trạng địa giới của tất cả các đơn vị hành chính cấp xã có liên quan và 01 tờ bản đồ về phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã;
e) Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; quyết định nội dung, hình thức lấy ý kiến theo hướng dẫn của Chính phủ.
4. Sau khi có kết quả lấy ý kiến Nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoàn thiện đề án, gửi Hội đồng nhân dân các cấp có liên quan xem xét, biểu quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tổng hợp và gửi Bộ Nội vụ để thẩm định.
5. Bộ Nội vụ tổ chức thẩm định nội dung đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã do địa phương chuẩn bị và tổng hợp, xây dựng đề án của Chính phủ về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của từng đơn vị hành chính cấp tỉnh, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trường hợp đơn vị hành chính cấp tỉnh có định hướng sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì Bộ Nội vụ tổng hợp nội dung đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của các đơn vị hành chính cấp tỉnh thực hiện sắp xếp, xây dựng đề án về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc đơn vị hành chính cấp tỉnh dự kiến hình thành sau sắp xếp.
6. Hồ sơ đề án của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã phải được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 30 tháng 5 năm 2025. Hồ sơ đề án phải được Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội thẩm tra làm cơ sở trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước ngày 30 tháng 6 năm 2025 để bảo đảm có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.
Câu hỏi 11: Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính mới, việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan, tổ chức được tiến hành như thế nào?
Trả lời: Điều 10, Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15, ngày 15/4/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định:
1. Việc sắp xếp, kiện toàn các cơ quan, tổ chức của chính quyền địa phương khi sắp xếp đơn vị hành chính phải bảo đảm nguyên tắc thống nhất và gắn với việc sắp xếp tổ chức Đảng và tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
2. Tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các cơ quan của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp xã sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính thực hiện theo quy định của pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
3. Khóa của Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính mới sau sắp xếp được xác định như sau:
a) Trường hợp đơn vị hành chính mới sau sắp xếp giữ nguyên tên gọi của một trong các đơn vị hành chính trước sắp xếp thì khóa của Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính sau sắp xếp tiếp tục tính theo khóa của Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính được giữ nguyên tên gọi;
b) Trường hợp đơn vị hành chính mới sau sắp xếp thay đổi tên gọi hoặc thay đổi loại đơn vị hành chính thì khóa của Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính sau sắp xếp được tính lại từ đầu (khóa I) kể từ thời điểm thành lập.
4. Trường hợp Hội đồng nhân dân ở một trong các đơn vị hành chính cấp tỉnh trước khi sắp xếp có tổ chức Ban Dân tộc thì Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở đơn vị hành chính sau sắp xếp cũng được tổ chức Ban Dân tộc để hoạt động cho đến khi hết nhiệm kỳ 2021 - 2026. Việc thành lập các Ban khác của Hội đồng nhân dân thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
5. Thực hiện nhập nguyên trạng Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được tổ chức thống nhất ở các địa phương. Đối với các cơ quan chuyên môn đặc thù thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì việc tổ chức do chính quyền địa phương cấp tỉnh xem xét, quyết định phù hợp quy định của Chính phủ.
Việc sắp xếp cơ quan, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Việc tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công trên địa bàn đơn vị hành chính sau sắp xếp thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
6. Việc tổ chức các cơ quan nhà nước ở Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn đơn vị hành chính sau sắp xếp thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
7. Chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp hoàn thành xong việc kiện toàn tổ chức bộ máy và chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là ngày 15 tháng 8 năm 2025.
Chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp hoàn thành xong việc kiện toàn tổ chức bộ máy và chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là ngày 15 tháng 9 năm 2025.
Kể từ ngày nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã có hiệu lực thi hành, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ở các đơn vị hành chính trước sắp xếp tiếp tục hoạt động cho đến khi Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ở đơn vị hành chính sau sắp xếp chính thức hoạt động.
Câu hỏi 12: Việc bố trí, số lượng lãnh đạo, quản lý và số lượng, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức sau sắp xếp đơn vị hành chính mới như thế nào?
Trả lời: Điều 11, Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15, ngày 15/4/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định:
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức sau sắp xếp đơn vị hành chính, bảo đảm yêu cầu tinh giản gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan nhà nước ở Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn và của tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan và hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, bảo đảm yêu cầu tinh giản gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
2. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp không vượt quá tổng số cán bộ, công chức, viên chức có mặt tại các đơn vị hành chính cấp tỉnh trước sắp xếp. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp không vượt quá tổng số cán bộ, công chức có mặt tại các đơn vị hành chính cấp xã trước sắp xếp, không kể số lượng cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện được bố trí làm việc tại đơn vị hành chính cấp xã.
3. Tại thời điểm sắp xếp, số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, cấp phó của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc có thể nhiều hơn số lượng so với quy định. Chậm nhất là 05 năm kể từ ngày nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã có hiệu lực thi hành, số lượng và việc bố trí lãnh đạo, quản lý, số lượng cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính sau sắp xếp thực hiện theo quy định.
4. Giữ nguyên chế độ, chính sách tiền lương và phụ cấp chức vụ (nếu có) hiện hưởng của cán bộ, công chức, viên chức chịu ảnh hưởng của việc sắp xếp đơn vị hành chính mà vẫn là cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị trong thời gian 06 tháng kể từ khi có văn bản bố trí công tác. Sau thời hạn này, thực hiện chế độ, chính sách và phụ cấp chức vụ theo quy định của pháp luật.
5. Căn cứ quy định của Chính phủ, quy định, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức có liên quan kịp thời thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy bảo đảm đúng đối tượng và quyền, lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chịu tác động do sắp xếp đơn vị hành chính.
Câu hỏi 13: Việc sắp xếp, xử lý trụ sở, tài chính, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính mới như thế nào?
Trả lời: Điều 12, Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15, ngày 15/4/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định:
1. Việc bố trí, sử dụng trụ sở, xử lý tài chính, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính thực hiện theo quy định của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài chính, tài sản công và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền; bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
2. Chính quyền địa phương cấp tỉnh nơi dự kiến bố trí trung tâm chính trị - hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh dự kiến hình thành sau sắp xếp có trách nhiệm chủ động cân đối, bố trí ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của đơn vị hành chính sau sắp xếp; quan tâm bố trí nhà ở công vụ, phương tiện phục vụ công tác và nhu cầu đi lại cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp để ổn định điều kiện làm việc tại đơn vị hành chính sau sắp xếp; hướng dẫn, tạo điều kiện để chính quyền địa phương cấp xã sau sắp xếp cân đối ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc, bảo đảm điều kiện làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị tại đơn vị hành chính cấp xã.
Câu hỏi 14: Việc thực hiện chế độ, chính sách đặc thù đối với đơn vị hành chính mới sau sắp xếp như thế nào?
Trả lời: Điều 13, Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15, ngày 15/4/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định:
1. Người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang trên địa bàn đơn vị hành chính sau sắp xếp tiếp tục hưởng chế độ, chính sách đặc thù áp dụng theo vùng, theo khu vực hoặc theo đơn vị hành chính như trước khi thực hiện sắp xếp cho đến khi có quyết định khác của cấp có thẩm quyền.
2. Giữ nguyên phạm vi, đối tượng và nội dung của các chế độ, chính sách theo quy định của trung ương và địa phương áp dụng đối với đơn vị hành chính như trước khi sắp xếp cho đến khi có quyết định khác của cấp có thẩm quyền.
3. Trường hợp có thay đổi tên gọi của đơn vị hành chính sau sắp xếp thì sử dụng tên gọi mới của đơn vị hành chính để tiếp tục tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách đặc thù.
Câu hỏi 15: Việc chuyển đổi giấy tờ, con dấu cho cá nhân, tổ chức như thế nào?
Trả lời: Điều 14, Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15, ngày 15/4/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định:
1. Việc chuyển đổi giấy tờ cho cá nhân, tổ chức được thực hiện theo quy định tại Điều 10 của Nghị quyết số 190/2025/QH15 ngày 19 tháng 02 năm 2025 của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
2. Việc cấp, sử dụng con dấu của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp ở các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp thực hiện theo quy định, hướng dẫn của Chính phủ.
Câu hỏi 16: Cán bộ, đảng viên và Nhân dân cần làm gì để góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; sáp nhập tỉnh Tây Ninh và Long An?
Trả lời: Để góp phần cùng cấp ủy và chính quyền địa phương thực hiện tốt việc sắp xếp các đơn vị hành chính mới, mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân cần:
- Tham gia tích cực và đầy đủ các buổi tuyên truyền triển khai chủ trương, phương án, đề án sắp xếp đơn vị hành chính tại địa phương;
- Tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận ủng hộ, nhất trí trong gia đình và cộng đồng;
- Nắm rõ thời gian, nội dung lấy ý kiến cử tri, kiểm tra danh sách cử tri được niêm yết, hoàn thành đủ các nội dung trong phiếu lấy ý kiến cử tri, nộp lại phiếu đúng thời gian hoàn thành tốt nhiệm vụ công dân theo đúng quy định.
- Đồng thời luôn đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh các phần tử xấu tuyên truyền xuyên tạc, góp phần thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính mới thành công./.
BAN TUYÊN GIÁO VÀ DÂN VẬN TỈNH ỦY