Kính gửi:
- Phòng Nông nghiệp và Môi trường;
- Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện;
- Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh huyện;
- UBND các xã, thị trấn.
Thực hiện Công văn số 593/SNNMT-NNPTNT ngày 21/3/2025 của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Long An về việc chỉ đạo sản xuất trồng trọt vụ Hè thu và Thu đông 2025;
Nhằm đảm bảo sản xuất cây trồng vụ Hè thu năm 2025 đạt kết quả tốt, hạn chế sự lây truyền của các đối tượng gây hại, nguy cơ tác động của hạn, xâm nhập mặn,... UBND huyện yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị nêu trên và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
I. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP VỤ HÈ THU 2025
1. Đối với cây lúa:
Khẩn trương tuyên truyền, hướng dẫn nông dân vệ sinh đồng ruộng, cải tạo đất chuẩn bị cho vụ Hè thu 2025. Thông tin đến nông dân nên gieo sạ theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, tuân thủ lịch né rầy; xuống giống tập trung, đồng loạt để chủ động trong công tác điều tiết nước; không gieo sạ tự phát, phân tán.
Căn cứ khung lịch thời vụ gieo sạ lúa của tỉnh, UBND huyện khuyến cáo lịch gieo sạ lúa vụ Hè thu năm 2025 trên địa bàn huyện cụ thể như sau:
+ Đợt 1: Từ ngày 13/5-23/5/2025 dương lịch (16/4-26/4/2025 âm lịch).
+ Đợt 2: Từ ngày 10/6-20/6/2025 dương lịch (15/5-25/5/2025 âm lịch).
Cơ cấu giống lúa: ưu tiên các giống có sức chống chịu cao với hạn, mặn, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương như: OM 5451, ST 24, ST 25,OM 18, RVT, OM 4900, OM 6976, OM 1352. Phấn đấu đạt 80% diện tích lúa gieo sạ sử dụng lúa giống cấp xác nhận trở lên, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng từ các cơ sở cung cấp giống uy tín, không sử dụng giống lúa không rõ nguồn gốc để gieo sạ. Lượng giống gieo sạ: 80-100 kg/ha.
Trong điều kiện nắng nóng ảnh hưởng của hiện tượng ENSO cần áp dụng số biện pháp như:
- Canh tác các giống chịu hạn như OM 5451, ST 24, OM 6976, OM 1352.
- Tăng cường bón phân hữu cơ.
- Bón phân lân ưu tiên bón các loai phân lân đơn như supper lân, lân nung chảy…
Lưu ý:
- Các khu vực đất cao của huyện gồm các xã Long Phụng, Đông Thạnh Tân Tập (Khu vực đê bao Ông Hiếu) một phần xã Thuận Thành, Long An có thể áp dụng sạ khô trong điều kiện trời ít mưa, đất khô (Cày lên bụi).
- Đối với những khu vực còn lại nhất là khu vực đất trũng, thấp, gần kênh chủ động được nguồn nước thì ưu tiên áp dụng phương pháp sạ mọng để giảm lượng giống gieo sạ, hạn chế cỏ dại và khử lúa lẫn, giúp lúa lên đều, giảm công tỉa dặm.
Đối với các xã Tân Tập, Đông Thạnh: là vùng bị nhiễm phèn, mặn trước khi gieo sạ cần chú ý công tác cày, xới rửa mặn, tăng cường bón vôi, phân lân để cải tạo đất và thực hiện xổ xả phèn để tránh thiệt hại.
Một số khu vực canh tác lúa bị nhiễm phèn như khu vực sông Mồng Gà, khu vực ven sông trị Yên, khu vực cập theo đê Trường Long ngoài các biện pháp trên nên bón thêm vôi nông nghiệp để giảm ảnh hưởng xấu của phèn trong đất.
Đối với những ruộng canh tác lúa bị nhiễm lúa lẫn, lúa cỏ nên cày đất 2 lần, sạ mọng: cày lần 1 sau khi mưa già lúa lẫn, lúa cỏ đã lên xanh, cày lần 2 sau khi lúa lẫn lúa cỏ đã lên xanh sau khi cày lần 1, sau đó tiến hành sạ giống: tùy điều kiện mà sạ khô hoặc sạ mọng, nếu sạ mộng nên phun các loại thuốc tiền nẩy mầm.
- Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về lợi ích của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để người dân thực hiện.
- Hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật để người dân chăm sóc tốt rau trồng.
- Dự tính, dự báo diễn biến phát triển sâu hại, bệnh dịch để thông tin cảnh báo, đồng thời hướng dẫn các biện pháp phòng trị bệnh.
- Sớm triển khai hỗ trợ xây dựng các mô hình, điểm trình diễn trồng rau ứng dụng công nghệ cao theo kế hoạch, tổ chức hội thảo rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình.
- Phát triển, nhân rộng những đối tượng, cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế. Công tác cung ứng giống cần lưu ý đến nguồn gốc, chứng nhận chất lượng.
- Đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Khuyến cáo phát triển các mô hình sản xuất chất lượng cao, mô hình sản xuất hữu cơ để nâng cao giá trị sản xuất.
II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình khí tượng thủy văn, triều cường, hạn, xâm nhập mặn tại địa phương và trên website Phòng chống thiên tai của tỉnh (pctt.longan.gov.vn) để chủ động ứng phó với các diễn biến thời tiết bất lợi đối với cây trồng; chủ động quản lý nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Hè thu năm 2025. Phân công tổ chức thực hiện nhiệm vụ cụ thể như sau:
1. Phòng Nông nghiệp và Môi trường:
- Tăng cường kiểm tra, rà soát chất lượng các công trình thủy lợi, cấp thoát nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt khu vực nông thôn.
- Phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình thủy lợi tỉnh trong vận hành, điều tiết các cống đầu mối phục vụ sản xuất.
- Tập trung tổ chức thực hiện tốt các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp; chuyển giao khoa học kỹ thuật gắn với thực tiễn sản xuất góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí và công lao động; phấn đấu đạt diện tích cao nhất các loại rau có giá trị kinh tế cao; đảm bảo sản xuất gắn với an toàn thực phẩm.
- Đôn đốc các đơn vị hợp tác đẩy nhanh tiến độ phối hợp tổ chức thực hiện các chương trình hợp tác với nông dân trong xây dựng, trình diễn mô hình sản xuất mới ở địa phương.
- Tập trung thực hiện việc giám sát chất lượng môi trường nước các sông kênh rạch, xác định nguồn gây ô nhiễm (nếu có) đảm bảo chất lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thiết kế tờ rơi tuyên truyền về tác hại của ô nhiễm môi trường gắn với chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế địa phương, nhận diện nguồn gây ô nhiễm, quy định xử lý để giáo dục, răn đe, kéo giảm các hành vi vi phạm.
2. Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện:
Chủ động liên hệ, phối hợp với tỉnh để sớm cấp phát lúa giống cho hộ dân thực hiện chương trình.
Chủ trì xây dựng Kế hoạch và tổ chức thực hiện các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2025.
- Lập kế hoạch nhập lúa giống, tổ chức cung ứng giống lúa xác nhận theo khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường. Ưu tiên sử dụng các giống lúa ngắn ngày có khả năng chịu mặn, phèn cao, thích hợp điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn như hiện nay.
- Hướng dẫn người dân cải tạo đất sản xuất lúa, rau chuẩn bị cho vụ Hè thu năm 2025; giới thiệu các giống cây trồng, mô hình sản xuất mới có tiềm năng phát triển; giải pháp kỹ thuật chăm sóc cây trồng.
- Thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình sâu bệnh trên cây trồng; hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trị có hiệu quả.
- Tổ chức thực hiện tốt công tác dịch vụ cung cấp giống cây trồng tại đơn vị, cần lưu ý đến nguồn gốc, xuất xứ và chứng nhận chất lượng của cây giống.
- Tổ chức các lớp tập huấn, dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân. Thường xuyên cử cán bộ xuống địa bàn kiểm tra đồng ruộng, điều tra phát hiện các đối tượng có thể gây hại, phát triển thành dịch trên lúa, rau màu; hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trị có hiệu quả.
3. Đoàn kiểm tra liên ngành huyện:
- Chủ động tăng cường thực hiện kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh lúa giống, cây giống, phân bón, vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện; thông tin rộng rãi kết quả kiểm tra để người dân nắm biết.
- Phối hợp với các Sở, ngành tỉnh thực hiện thanh, kiểm tra theo đúng quy định, lưu ý khâu lấy mẫu kiểm nghiệm đảm bảo tính khách quan, đại diện phản ánh chất lượng vật tư để có giải pháp quản lý phù hợp.
4. Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh huyện:
Phối hợp với các cơ quan chuyên môn thường xuyên thông báo, cung cấp thông tin kịp thời về lịch thời vụ, tình hình khí tượng thủy văn khu vực, lịch vận hành các cống đầu mối, diễn biến dịch hại và các biện pháp phòng trừ theo hướng dẫn của các ngành chuyên môn. Xây dựng các chuyên mục hướng dẫn khoa học kỹ thuật, tuyên truyền về các mô hình sản xuất tốt, đạt hiệu quả cao, phù hợp điều kiện địa phương để nhân rộng trên toàn địa bàn.
5. UBND các xã, thị trấn:
- Phát động các hội, đoàn thể đảm nhận, thường xuyên phát quang, khơi thông dòng chảy trên các kênh mương nội đồng đảm bảo cấp, tiêu thoát nước phục vụ sản xuất.
- Chủ động đề xuất, phối hợp các ngành huyện xây dựng các mô hình sản xuất tiên tiến, hiệu quả, phù hợp. Động viên, khuyến khích nhân dân mạnh dạn áp dụng nhân rộng.
- Phân công nhân sự đầu mối thực hiện theo dõi xuyên suốt, tổng hợp, báo cáo tình hình sản xuất của địa phương.
- Nắm bắt thông tin, báo cáo, phối hợp kiểm tra dư luận, phản ánh của người dân về chất lượng vật tư nông nghiệp của các cơ sở kinh doanh tại địa phương.
UBND huyện giao Phòng Nông nghiệp và Môi trường chủ trì kiểm tra, giám sát, đôn đốc hỗ trợ các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện tốt các nội dung chỉ đạo tại Công văn này, góp phần đảm bảo thắng lợi sản xuất nông nghiệp vụ Hè thu năm 2025 trên địa bàn huyện./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
(đã ký)
Huỳnh Minh Trí
|
1449_UBND-KT_28-03-2025_27 3 2025 Chỉ đạo sx Hè Thu năm 2025.signed.pdf