Ngày 11/5/2024, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ Madan Mohan Sethi và phu nhân đến thăm Cảng Quốc tế Long An nhân chương trình Đoàn đến giao lưu hữu nghị và hợp tác nhân dân tại Long An. Cùng đi còn có ông Rajib Gupta - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ tại TPHCM; Tiến sĩ Huỳnh Thành Lập - Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ TPHCM.
Tiếp đoàn Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ có ông Nguyễn Hữu Ngọc - Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Long An; Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Huỳnh Minh Trí; Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đồng Tâm Miền Trung - Võ Quốc Lợi; Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Long An - Lê Minh Phúc.
Đoàn Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ thăm Cảng Quốc tế Long An
Phó Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Minh Trí cho biết ‘‘Cần Giuộc có vị trí địa lý thuận lợi tiếp giáp với TP. HCM và nằm trong Quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Long An. Cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ để tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập người dân, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm’’.
Phó Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Minh Trí giới thiệu về huyện Cần Giuộc với Đoàn Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ
Huyện có 05 nghề truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận và 26 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao. Việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới góp phần thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo và phát triển du lịch nông thôn.
Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ Madan Mohan Sethi ấn tượng trước sự phát triển của huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An và Cảng Quốc tế Long An
Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có mong rằng thời gian tới huyện Cần Giuộc nói riêng và tỉnh Long An nói chung sẽ nhận được sự quan tâm của Tổng Lãnh sự quán, Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ TPHCM hỗ trợ đầu tư, hợp tác cùng phát triển.
Tặng quà Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ và phu nhân
Cảng Quốc tế Long An có diện tích 147 ha, tổng số vốn gần 10.000 tỷ đồng, gồm 7 cầu cảng chiều dài gần 1.700m có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 70.000 DWT. Ngoài ra, còn có hệ thống nhà kho, kho ngoại quan, bãi container và các công trình phụ trợ khác phục vụ lưu trữ và nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường bộ, đường biển hoặc thủy nội địa. Đây cũng là một trong những điểm đến hấp dẫn, nhất là du lịch tàu biển.
Cảng đã đón hàng nghìn lượt tàu trong và ngoài nước, với hàng triệu tấn hàng hóa xuất nhập thông qua cảng. Đáng chú ý, Cảng đã tiếp nhận và bốc dỡ hàng hóa thành công nhiều tàu tải trọng trên 50.000 DWT. Cảng Quốc tế Long An được kỳ vọng trở thành trung tâm đầu mối xuất nhập khẩu cho cả vùng ĐBSCL, tạo sức bật cho việc phát triển kinh tế của cả khu vực này.
Đoàn Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ chụp ảnh lưu niệm nhân chuyến thăm thăm Cảng Quốc tế Long An
Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ Madan Mohan Sethi ấn tượng trước sự phát triển của huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An và Cảng Quốc tế Long An. Hiện nay, Ấn Độ có sự phát triển về giáo dục và cảng, Ngài Tổng Lãnh sự quán mong muốn sẽ là cầu nối, giới thiệu để doanh nghiệp Ấn Độ quan tâm có thể đầu tư vào Long An sau chuyến thăm này.
Thành Phát