Thông báo tổ chức Hội thi Đờn ca tài tử tỉnh Long An lần thứ 3 năm 2024
Nhằm tạo điều kiện cho những người yêu thích và có năng khiếu về nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) trong tỉnh có dịp thi diễn tài năng, từ đó chọn ra những nhân tố mới kế thừa, từng bước nâng cao chất lượng phát triển phong trào Đờn ca tài tử của tỉnh nhà trong thời gian tới, góp phần bảo tồn và phát triển nghệ thuật ĐCTT khu vực Nam Bộ nói chung và của tỉnh Long An nói riêng.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT và DL) thông báo một số nội dung về Hội thi Đờn ca tài tử tỉnh Long An lần thứ 3 năm 2024, cụ thể như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC
1. Đối tượng
Công dân đang sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh Long An tuổi từ 12 trở lên đều được đăng ký dự thi.
2. Nội dung
- Ca ngợi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Bác Hồ trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN;
- Ca ngợi tinh thần yêu nước, kiên cường bất khuất, tự lực, tự cường trong đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tộc Việt Nam;
- Ca ngợi công lao của những bậc tiền nhân đã có công khai sáng các loại hình là di sản văn hóa của dân tộc;
- Phản ánh những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
- Vun đắp tình yêu quê hương, đất nước, giáo dục truyền thống cách mạng, nêu gương người tốt việc tốt trong lao động sáng tạo xây dựng nông thôn mới, chống tham nhũng, tiêu cực, phê phán những thói hư, tật xấu trong xã hội hiện nay như: Tệ nạn rượu chè, cờ bạc, mê tín dị đoan, vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, trật tự giao thông, an toàn xã hội, …;
- Xây dựng đạo đức, lối sống, nếp sống tốt đẹp qua suy nghĩ và hành vi ứng xử của con người Việt Nam, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo gắn với truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc;
- Đề cao sự gắn kết, chia sẻ yêu thương trong cuộc sống của mọi người với nhau, xây dựng gia đình văn hóa, tình nghĩa xóm làng, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, vượt khó vươn lên.
3. Hình thức
a) Hình thức tổ chức Hội thi:
Hội thi được tổ chức 02 vòng: Vòng bán kết và Vòng chung kết.
a) Hình thức dự thi:
- Thi ca: Đơn ca, song ca, tam ca, tứ ca.
- Thi đờn: Độc tấu.
II. QUY ĐỊNH VỀ BẢNG THI, CHUYÊN MÔN VÀ QUY ĐỊNH KHÁC
1. Bảng thi: Hội thi được chia thành 03 bảng
a) Bảng A: Ca bài bản.
b) Bảng B: Ca vọng cổ.
c) Bảng C: Độc tấu.
2. Chuyên môn:
a) Bảng A – Ca bài bản:
- Chọn 20 bài Tổ của dòng nhạc tài tử Nam Bộ gồm các điệu thức: Bắc, Hạ, Nam, Oán, (được sử dụng 02 bài oán biến thể: Trường Tương Tư và Văn Thiên Tường);
- 08 bài Ngự.
b) Bảng B – Ca vọng cổ:
- Vọng cổ nhịp 16;
- Vọng cổ nhịp 32.
* Lưu ý về thi ca:
- Thí sinh chỉ được đăng ký thi, 1 trong 2 bảng (A hoặc B);
- Mỗi thí sinh chỉ đăng ký 01 tiết mục, 01 hình thức (đơn ca, song ca).
c) Bảng C - Độc tấu:
- Chọn 20 bài Tổ của dòng nhạc tài tử Nam Bộ gồm các điệu thức: Bắc, Hạ, Nam, Oán, (có thể sử dụng 02 bài oán biến thể: Trường Tương Tư và Văn Thiên Tường); 08 bài Ngự.
- Chọn những nhạc cụ dân tộc như: Tranh, kìm, cò, bầu, ghita Việt Nam, sến, gáo, tỳ bà, hạ uy di, tiêu, sáo…
* Lưu ý:
- Không sử dụng Ghita điện tử.
- Mỗi thí sinh thi độc tấu được đăng ký 01 loại nhạc cụ.
3. Quy định khác:
a) Đối tượng không được dự thi ca bài bản:
- Được phong tặng danh hiệu Nhà nước;
- Đoạt Huy chương vàng, Giải nhất, Giải A đơn ca trong các cuộc Hội thi, Liên hoan ĐCTT cấp khu vực, các tỉnh, thành phố.
b) Đối tượng không được dự thi ca vọng cổ:
- Được phong tặng danh hiệu Nhà nước.
- Đạt Huy chương vàng, Giải nhất, Giải A đơn ca trong các cuộc Hội thi ca vọng cổ, Liên hoan ĐCTT cấp khu vực, các tỉnh, thành phố.
- Riêng đối với hình thức song ca: nếu đã đạt Huy chương vàng, Giải nhất, Giải A trong các cuộc Hội thi ca vọng cổ, Liên hoan ĐCTT cấp khu vực, các tỉnh, thành phố được tham gia dự thi song ca nhưng không được chọn trùng thành viên đã thi các lần trước.
c) Đối tượng không được dự thi độc tấu:
- Được phong tặng danh hiệu Nhà nước.
- Từng đoạt Huy chương vàng, Giải A, Giải nhất thi độc tấu bài bản tài tử trong các cuộc hội thi, liên hoan ĐCTT các tỉnh, thành phố và khu vực.
* Lưu ý: Thí sinh thi đờn độc tấu được phép đăng ký thi nhạc cụ khác ngoài nhạc cụ đã từng đoạt giải Huy chương vàng, Giải nhất, Giải A trong những lần tham gia Hội thi, Liên hoan ĐCTT cấp tỉnh thành phố và khu vực trước.
III. Quy định về chuyên môn các vòng thi
1. Vòng bán kết:
a) Bảng A - Ca bài bản
- Điệu Bắc: (Khuyến khích thi ca ra bộ)
+ Lưu thủy trường (từ câu 1 đến câu 16);
+ Phú lục (từ câu 1 đến câu 8);
+ Bình bán (từ câu 1 đến câu 10);
+ Cổ bản (từ câu 1 đến câu 14);
+ Xuân tình (từ câu 1 đến câu 14);
+ Tây thi (từ câu 1 đến câu 9).
- Điệu Hạ:
+ Xàng xê nhịp 8 (từ câu 1 đến câu 8);
+ Ngũ đối thượng (từ câu 1 đến câu 16);
+ Ngũ đối hạ (từ câu 1 đến câu 9);
+ Long đăng (từ câu 1 đến câu 10);
+ Long ngâm (từ câu 1 đến câu 10);
+ Vạn giá (từ câu 1 đến câu 10);
+ Tiểu khúc (từ câu 1 đến câu 10).
- Điệu Nam:
+ Nam xuân (từ câu 1 đến câu 8);
+ Nam ai (từ câu 1 đến câu 8);
+ Đảo ngũ cung (từ câu 1 đến câu 12).
- Điệu Oán:
+ Tứ đại oán (từ câu 1 đến câu 6);
+ Phụng hoàng (từ câu 1 đến câu 6);
+ Giang nam (từ câu 1 đến câu 8);
+ Phụng cầu (từ câu 1 đến câu 6);
+ Văn thiên tường (từ câu 1 đến câu 6);
+ Trường tương tư (từ câu 1 đến câu 8).
- Điệu Ngự:
+ Ái tử kê (19 câu);
+ Bát man tấn cống (từ câu 1 – câu 12);
+ Tương tư (từ câu 1 đến câu 20);
+ Duyên kỳ ngộ (từ câu 1 đến câu 20);
+ Quả phụ hàm oan (từ câu 1 đến câu 17);
+ Chiêu quân (từ câu 1 đến câu 18);
+ Đường thái tôn (từ câu 1 đến câu 16);
+ Vọng phu (từ câu 1 đến câu 18).
b) Bảng B - Ca vọng cổ
- Vọng cổ nhịp 16: (4 câu)
- Vọng cổ nhịp 32: Chọn 2 câu - thời lượng tiết mục tối đa 4 phút (không được ca tân cổ giao duyên).
c) Bảng C - Độc tấu: Quy định bài bản, số câu, số lớp như bảng A "thi ca bài bản tài tử".
Sau Vòng bán kết, Ban tổ chức sẽ chọn ra 60 thí sinh tiếp tục thi Vòng chung kết (bảng A chọn 32 thí sinh, bảng B chọn 18 thí sinh, bảng C chọn 10 thí sinh).
2. Vòng chung kết
a) Bảng A - Ca bài bản
- Điệu Bắc: (Khuyến khích thi ca ra bộ)
+ Lưu thủy trường (32 câu);
+ Phú lục (03 lớp);
+ Bình bán (22 câu);
+ Cổ bản (từ câu 1 đến câu 19);
+ Xuân tình (02 lớp);
+ Tây thi (26 câu).
- Điệu Hạ:
+ Xàng xê nhịp 8 (từ câu 1 đến câu 20);
+ Ngũ đối thượng (20 câu);
+ Ngũ đối hạ (20 hoặc 21 câu);
+ Long đăng (02 lớp);
+ Long ngâm (từ câu 1 đến câu 21);
+ Vạn giá (22 câu);
+ Tiểu khúc (từ câu 1 đến câu 17).
- Điệu Nam:
+ Nam xuân (02 lớp);
+ Nam ai (02 lớp);
+ Đảo ngũ cung (20 câu).
- Điệu Oán:
+ Tứ đại oán (01 lớp);
+ Phụng hoàng (10 câu);
+ Giang nam (08 hoặc 10 câu);
+ Phụng cầu (10 câu);
+ Văn thiên tường (từ câu 1 đến câu 6, hoặc khúc dựng qua khúc xế xảng);
+ Trường tương tư (01 lớp).
- Điệu Ngự:
+ Ái tử kê (19 câu – quy định ca 02 lần);
+ Bát man tấn cống (02 lớp);
+ Tương tư (từ câu 1 đến câu 33);
+ Duyên kỳ ngộ (từ câu 1 đến câu 45);
+ Quả phụ hàm oan (từ câu 1 đến câu 34);
+ Chiêu quân (từ câu 1 đến câu 26);
+ Đường thái tôn (32 câu);
+ Vọng phu (33 câu);
* Lưu ý:
- Thí sinh thi Vòng chung kết không được ca lại lời bài ca tài tử đã dự thi ở Vòng bán kết.
- Được thay đổi bài, điệu thức, không được thay đổi bảng đã đăng ký dự thi từ Vòng bán kết.
b) Bảng B - Ca vọng cổ
- Vọng cổ nhịp 16: (6 câu)
- Vọng cổ nhịp 32: (3 câu - thời lượng tiết mục tối đa 5 phút, không được ca tân cổ giao duyên)
* Lưu ý:
- Thí sinh thi Vòng chung kết không được ca trùng lời bài ca vọng cổ nhịp 16, vọng cổ nhịp 32 đã dự thi ở Vòng bán kết.
- Không được thay đổi bảng đã đăng ký dự thi từ Vòng bán kết.
- Các tiết mục vào Vòng chung kết không được thay đổi hình thức (song ca, tam ca, tứ ca), số lượng, nhân sự.
c) Bảng C - Độc tấu
Quy định bài bản, số câu, số lớp như bảng A (thi ca bài bản tài tử).
* Lưu ý:
- Không được thi trùng bài với Vòng bán kết.
- Được thay đổi điệu thức dự thi.
Sau Vòng chung kết, Ban tổ chức sẽ chọn 30 thí sinh đạt số điểm cao nhất trong 03 bảng dự thi để trao giải thưởng trong buổi tổng kết, công diễn và Bế mạc Hội thi: bảng A chọn 16 thí sinh, bảng B chọn 09 thí sinh, bảng C chọn 05 thí sinh.
IV. THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM VÀ LỊCH HOẠT ĐỘNG
1. Thời gian, địa điểm ghi danh:
a)Thời gian: Từ ngày ra thông báo đến hết ngày 18/4/2024.
b) Địa điểm ghi danh:
- Thí sinh chủ động liên lạc đăng ký với Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh nơi địa phương mình thường thú hoặc tạm trú (đính kèm mẫu đăng ký);
- Phòng Nghiệp vụ văn hóa - Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Long An.
Liên lạc với bà Huỳnh Thị Mỹ Liên, chuyên viên Phòng Nghiệp vụ văn hóa Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Long An; điện thoại di động/ zalo: 0945.353.840
2. Thời gian, địa điểm
a) Thời gian:
- Vòng bán kết: Các ngày 13, 14, 20, 21/4/2024 (thứ Bảy, Chủ nhật, tùy vào số lượng thí sinh đăng ký dự thi, Ban tổ chức có thể tăng hoặc giảm số ngày thi).
- Vòng chung kết: Các ngày 23, 24/4/2024 (thứ Ba và thứ Tư)
- Tổng kết trao giải, công diễn và Bế mạc Hội thi: Ngày 25/4/2024 (thứ Năm)
b) Địa điểm: Hội trường Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Long An, Số 09, đường Trương Định, Phường 2, thành phố Tân An, tỉnh Long An.
3. Lịch thi và ráp nhạc
a) Vòng bán kết:
- Ngày 13/4/2024 (thứ Bảy)
+ 08 giờ 00 phút - 11 giờ 30 phút: Ráp nhạc
+ 13 giờ 30 phút: Thi diễn
- Ngày 14/4/2024 (Chủ nhật):
+ 08 giờ 00 phút - 11 giờ 30 phút: Ráp nhạc
+ 13 giờ 30 phút: Thi diễn
- Ngày 20/4/2024 (thứ Bảy):
+ 08 giờ 00 phút - 11 giờ 30 phút: Ráp nhạc
+ 13 giờ 30 phút: Thi diễn
- Ngày 21/4/2024 (Chủ nhật):
+ 08 giờ 00 phút - 11 giờ 30 phút: Ráp nhạc
+ 13 giờ 30 phút: Thi diễn
b) Vòng chung kết
- Ngày 23/4/2024 (thứ Ba)
+ 08 giờ 00 phút: Ráp nhạc
+ 18 giờ 30 phút: Khai mạc và thi diễn
- Ngày 24/4/2024 (thứ Tư)
+ 08 giờ 00 phút: Ráp nhạc
+ 18 giờ 30 phút: Thi diễn
- 18 giờ 30 phút, ngày 25/4/2024 (thứ Năm): Lễ tổng kết, công diễn, trao giải thưởng và Bế mạc Hội thi.
V. QUY ĐỊNH CHUNG
- Thí sinh mặc trang phục lịch sự, phù hợp với tiết mục, nội dung dự thi. Có thái độ đúng mực, nghiêm túc về thời gian quy định của Ban tổ chức;
- Nếu thí sinh dự thi vắng mặt không lý do khi tham gia 02 vòng thi xem như tự ý bỏ cuộc;
- Thí sinh đăng ký dự thi theo mẫu của BTC kể từ ngày ra thông báo;
- Thí sinh cung cấp thông tin để xác minh về đối tượng dự thi theo quy định, khi Ban tổ chức yêu cầu lúc ghi danh, hoặc trong thời gian ráp nhạc thi Vòng bán kết.
- Ban tổ chức sẽ cung cấp thông tin, giấy hẹn lịch ráp nhạc và lịch thi diễn cho thí sinh sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký tham gia dự thi;
- Thí sinh tham gia dự thi mang theo giấy tờ tùy thân để cung cấp thông tin cho BTC khi có yêu cầu.
VI. CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG
1. Bảng A: Ca bài bản (16 giải)
- 01 giải Nhất: 8.000.000 đ / giải.
- 02 giải Nhì: 5.000.000 đ / giải.
- 03 giải Ba: 3.000.000 đ / giải.
- 10 giải Khuyến khích: 2.000.000 đ / mỗi giải.
2. Bảng B: Ca vọng cổ (09 giải)
- 01 giải Nhất: 5.000.000 đ / giải
- 02 giải Nhì: 3.000.000 đ / mỗi giải.
- 02 giải Ba: 2.000.000 đ / mỗi giải.
- 04 giải Khuyến khích: 1.000.000 đ / mỗi giải.
3. Bảng C: Đờn độc tấu (05 giải)
- 01 giải Nhất: 8.000.000 đ / giải
- 01 giải Nhì: 5.000.000 đ / mỗi giải.
- 01 giải Ba: 3.000.000 đ / mỗi giải.
- 02 giải Khuyến khích: 2.000.000 đ/ mỗi giải
* Giải phụ: 07 giải, mỗi giải 500.000đ, cụ thể:
- 01 giải dành cho thí sinh ca về Bác Hồ hay nhất;
- 01 giải dành cho thí sinh ca về truyền thống cách mạng hay nhất;
- 01 giải ca về quê hương Long An hay nhất;
- 02 giải dành cho thí sinh triển vọng ca và đờn;
- 02 giải dành cho thí sinh cao tuổi nhất và nhỏ tuổi nhất.
* Ghi chú: Tùy tình hình thực tế, Ban tổ chức có thể thay đổi cơ cấu giải thưởng phù hợp với chất lượng và số lượng thí sinh đăng ký dự thi.
VII. BAN GIÁM KHẢO
Gồm những nghệ nhân đạt danh hiệu Nhà nước, có uy tín về chuyên môn ĐCTT ngoài tỉnh tham gia thẩm định chuyên môn.
Trên đây là thông báo Hội thi Đờn ca tài tử tỉnh Long An lần thứ 3 năm 2024. Mọi chi tiết xin liên hệ:
- Bà Nguyễn Thị Thanh (Nghệ nhân ưu tú Kim Thanh), viên chức Phòng Nghiệp vụ văn hóa Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Long An.
- Số điện thoại (zalo): 0909 957 287.
Trân trọng thông báo!
mẫu ĐĂNG KÝ VÒNG BK638469560472771131.xlsx